Hội thảo tham vấn lần một dự án Viet MAR: “QUẢN LÝ BỔ CẬP NƯỚC DƯỚI ĐẤT NHẰM ĐẢM BẢO TÍNH BỀN VỮNG VÀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM”

Ngày 04/06/2019 tại thành phố Quy Nhơn – tỉnh Bình Định, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn (KTTV) và Biến đổi khí hậu (BĐKH), Trung tâm Cảnh báo và Dự báo Tài nguyên nước đã phối hợp với Cục Địa chất Phần Lan tổ chức Hội thảo tham vấn lần 1 dự án “Quản lý bổ cập nước dưới đất nhằm đảm bảo tính bền vững và chất lượng nước dưới đất trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển đô thị tại Việt Nam” (Viet MAR).

Dự án Viet MAR – một trong những dự án trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan nhằm tăng cường quản lý nguồn nước dưới đất nhằm đảm bảo tính bền vững về số lượng và chất lượng nước dưới đất trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế nhanh ở Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan nhằm tăng cường năng lực và hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu các vùng ven biển Việt Nam, Bình Định được lựa chọn là tỉnh để thí điểm thực hiện hợp tác nghiên cứu.

Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trực thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia được giao phối hợp với Cục Địa chất Phần Lan đã tổ chức nhiều đợt công tác và tiến hành khảo sát, thực địa các khu vực thí điểm nghiên cứu. Sau khi làm việc và khảo sát thực tế tại các điểm: Nhà máy nước Hà Thanh, Tân An, khu kinh tế Nhơn Hội, nhóm công tác nhận thấy rằng khu vực bán đảo Phương Mai có tầng chứa nước Holocen, là nguồn nước quan trọng có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong khu kinh tế Nhơn Hội. Đây là tầng chứa nước nông, có nguồn bổ cập chính từ nước mưa, thoát ra biển, ra đầm Thị Nại, nước có chất lượng khá tốt. Trong đó lưu lượng nước có thể khai thác khoảng 30.000m3/ng, lượng nước thoát tự nhiên ra đầm khá lớn – 35.488m3/ng Tuy nhiên việc khai thác cần được tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp phục vụ phát triển bền vững.

Với kỹ thuật và công nghệ bổ cập nhân tạo nước dưới đất (MAR) và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài nguyên nước của Cục Địa chất Phần Lan,  sự hỗ trợ của Sở tài nguyên môi trường Bình Định, Ban quản lý các khu kinh tế Bình Định và các đơn vị của địa phương, nhóm công tác tin rằng hợp tác nghiên cứu này sẽ góp phần trong việc   quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phục vụ phát triển bền vững khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung.

 

Tại Hội thảo, TS. Phạm Thanh Long đã trình bày tóm tắt dự án Viet MAR; TS. Jaana Jarve trình bày các kinh nghiệm về bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở Phần Lan; ThS. Đặng Trần Trung, đại diện cho Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước trình kết quả bước đầu của dự án Viet MAR. Theo đó, dự án đã tiến hành các cuộc điều tra khảo sát nguồn tài nguyên nước nhằm xác định tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất; thu thập các dữ liệu thủy văn và khí tượng liên quan. Đồng thời, kết quả bước đầu cũng đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể: Tập trung nghiên cứu – Trọng điểm MAR khu vực hồ nhân tạo Nhơn Hội, lập phương án lưu trữ nước tạo nguồn dự trữ nước (MAR 1). Nghiên cứu khảo sát các mạch xuất lộ ra đầm Thị Nại vào mùa khô, lập phương án lưu trữ nước tạo nguồn dự trữ nước (MAR 2).

Đồng thời, hội thảo cũng nhận được rất nhiều sự góp ý từ các đại biểu Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan ở tỉnh Bình Định như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban quản lí khu kinh tế Nhơn Hội, Công ty cổ phần bê tông Nhơn Hội, chuyên gia tài nguyên nước…về các vấn đề nước xả thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động du lịch, tình hình sử dụng nước tại bán đảo Phương Mai. Các hoạt động và kết quả bước đầu của dự án đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ lớn từ các Sở, ban, ngành trên nhằm giúp dự án đạt được kêt quả thực tiễn tại địa phương.

Thảo luận tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Văn Đản đưa ra nhiều chia sẻ về việc lựa chọn  khu vực nghiên cứu, phương pháp thu nhận nguồn nước mưa và cách thức khai thác nguồn nước dưới đất trên bán đảo Phương Mai sao cho hiệu quả. Trong khi đó, Bà Đỗ Thị Minh Thi thuộc Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội đánh giá cao vai trò của dự án trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước dưới đất và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Quy Nhơn, bà đồng tình với việc áp dụng MAR ở bán đảo Phương Mai, đặc biệt là khu vực FLC.

Dự án Viet MAR dựa trên cơ sở hợp tác nghiên cứu hữu hiệu giữa Cục địa chất  Phần Lan và các đối tác Việt Nam. Mục tiêu dự án là tăng cường năng lực nhiên cứu cho các đối tác Việt Nam cũng như nghiên cứu áp dụng bổ sung  nhân tạo nước dưới đất cho các tầng chứa nước nông ven biển Việt Nam.