I. Vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ được có 2 tầng chứa nước chính kể từ trên mặt xuống gồm: Tầng chứa nước thứ nhất và tầng chứa nước thứ hai.
1. Tầng chứa nước thứ nhất: là lớp chứa nước thứ nhất kể từ mặt đất đến độ sâu trung bình 14,1m, phân bố trên diện rộng chủ yếu từ trung tâm đồng bằng ra phía biển, khu vực từ Việt Trì tới Hà Nội chỉ tồn tại các dải hẹp nằm dọc theo hệ thống sông Hồng, một số khoảnh nằm ở thung lũng giữa núi và ven các sông nhỏ khác. Đây là tầng chứa nước tuy trữ lượng không lớn nhưng có ý nghĩa cung cấp, bảo vệ chất lượng cho các tầng chứa nước khác nằm phía dưới.
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 6 so với tháng 5 có xu thế dâng, hạ, có 17/40 công trình mực nước dâng, có 16/40 công trình mực nước hạ và 7/40 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị dâng cao nhất 1,32m tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Q.10M1) và giá trị hạ thấp nhất 0,96m tại xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Q.147).
Số liệu thống kê cho thấy giá trị mực nước dưới đất trung bình tháng 6/2018 so với cùng thời điểm 1 năm có xu thế dâng, hạ và so với 5 năm, 10 năm trước có xu thế hạ là chính.
Dự báo diễn biến mực nước dưới đất tháng 7 có xu thế dâng so với mực nước thực đo tháng 6 trên toàn đồng bằng có 27/40 công trình mực nước xu thế dâng, có 8/40 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể, và có 5/40 công trình mực nước hạ.
2. Tầng chứa nước thứ hai: Là tầng chứa nước phân bố rộng khắp đồng bằng Bắc Bộ với chiều sâu rất không đồng đều và có hướng nghiêng dần ra phía biển, trung bình từ 30,9m đến 58,0m. Đây là tầng chứa nước có trữ lượng rất lớn chất lượng tốt, hiện là nguồn cung cấp cho các nhà máy khai thác nước tại các đô thị, khu công nghiệp và phần lớn cư dân trên đồng bằng Bắc Bộ.
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 6 so với giá trị tháng 5 có xu thế hạ, có 28/63 công trình mực nước hạ, 22/63 công trình mực nước hạ và 13/63 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 0,57m tại xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Q.110a) và giá trị dâng cao nhất là 0,87m tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội (Q.76a).
Số liệu thống kê cho thấy giá trị mực nước dưới đất trung bình tháng 6/2018 có xu thế dâng so với cùng thời điểm 1 năm trước, nhưng hạ so với 5 năm trước và 10 năm trước.
Dự báo diễn biến mực nước dưới đất tháng 7 có xu thế dâng so với mực nước thực đo tháng 6 với 47/63 công trình mực nước dâng và 8/63 công trình mực nước hạ, 8/63 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể.
Các cơ quan quản lý tài nguyên nước và các hộ khai thác nước dưới đất cần chú ý đến lượng khai thác và chế độ khai thác hợp lý tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, phường Mai Dịch quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội vì mực nước dưới đất tại đây đã chạm ngưỡng cảnh báo cấp 1 là 61-63 % giá trị giới hạn cho phép.
BẢN TIN THÔNG BÁO, DỰ BÁO TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT THÁNG 6 NĂM 2018 VÙNG ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Bản tin tháng
06/08/2018