Công tác quan trắc, 20 năm một chặng đường phát triển

5. Các đề xuất Trên cơ sở nội dung “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quốc gia đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác quan trắc tài nguyên nước cần được định hướng theo các điểm chính sau: Về vốn Nên cấp kinh phí thường xuyên để duy trì mạng quan trắc tài nguyên và môi trường nói chung, tài nguyên nước nói riêng. Trên cơ sở bộ đơn giá định mức ban hành cho công tác quan trắc (QĐ 20/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/12/2006 của Bộ TNMT) và đơn giá cho các công trình quan trắc nước mặt xác định chi phí hàng năm cho 1 công trình quan trắc để cấp vốn cho công tác quan trắc.

  Về tổ chức Cấp Trung ương: đã có Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước thống nhất quản lý các mạng quan trắc.  Cấp địa phương: mỗi tỉnh nên có Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường ở địa phương.

Về quy chuẩn Nên có một quy chuẩn quan trắc tài nguyên nước thực hiện chung cho mạng quan trắc quốc gia và các mạng quan trắc chuyên tại các địa phương.

Về quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu – Để phục vụ tốt hơn công tác đánh giá và dự báo tài nguyên nước, tất cả các dữ liệu quan trắc chuyên định kỳ 3 tháng 1 lần được chuyển về Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước. Mối quan hệ trao đổi giữa Trung tâm quan trắc và Dự báo tài nguyên nước và các Sở tài nguyên Môi trường địa phương là mối quan hệ hai chiều (hình 4), tiến tới mục tiêu chung là phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước. – Cần có một website riêng cho công tác quan trắc tài nguyên nước. Các thông báo, cảnh báo được đăng tải thường xuyên phục vụ các cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn, tư vấn, người dân. Việc truy cập dữ liệu sẽ phân cấp theo mức độ phù hợp.

Về chính sách Khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác quan trắc, đặc biệt đối với các quan trắc viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Về công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực – Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin, số liệu; nghiên cứu chế tạo các thiết bị quan trắc tự động phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của nước ta; – Nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo quan trắc viên, bảo đảm đào tạo kiến thức đa năng, thực hiện được nhiều loại hình quan trắc, một số được đào tạo chuyên sâu thành kỹ thuật viên. Đẩy mạnh đào tạo lại để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên và quan trắc viên hiện có. Chú trọng nâng cao năng lực vận hành của quan trắc viên. – Các cán bộ làm công tác quan trắc cần được đào tạo để nâng cao năng lực (đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài)

Về hợp tác quốc tế Mở rộng và tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức và cá nhân nước ngoài nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, thu hút đầu tư… để phát triển nhanh, mạnh và vững chắc mạng lưới quan trắc tài nguyên nước ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, để đạt được những thành tựu như hiện nay, đã có những đóng góp của các cơ quan quản lý cấp trên, các đơn vị liên quan, các đồng chí đã và đang làm công tác quan trắc. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường nước dưới đất, đại diện cho các cán bộ làm công tác quan trắc xin gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, các đơn vị, địa phương có liên quan và tất cả các cán bộ làm công tác quan trắc lời cảm ơn chân thành nhất. Và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự hợp tác của các đơn vị liên quan và sự đóng góp tâm huyết nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công tác quan trắc của các chuyên gia trong và ngoài ngành để phát triển công tác quan trắc phục vụ đắc lực trong công tác quản lý tài nguyên nước nói riêng, phát triển bền vững nói chung.