Nguyễn Thị Hạ
Trung tâm Quan Trắc và Dự báo tài nguyên nước Nghĩa Tân – Cầu Giấy – Hà Nội
Điều tra, quan trắc tài nguyên nước (TNN) là sự giám sát, đo đạc các yếu tố TNN. Kết quả quan trắc cung cấp một bức tranh hoàn thiện nhất, đầy đủ nhất và chính xác nhất về số lượng, chất lượng nước, phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và dự báo khả năng sử dụng tài nguyên nước trong tương lai.
Các yếu tố quan trắc bao gồm mực nước, lưu lượng, nhiệt độ, chất lượng, … của nước.
Kết quả thực tế cho thấy rằng quan trắc tài nguyên nước là một trong những dạng công tác điều tra cơ bản quan trọng hỗ trợ chiến lược, sách lược bảo vệ tài nguyên nước. Kết quả quan trắc giúp hoàn thiện quy hoạch phát triển bảo vệ và quản lý các nguồn nước, làm giảm nhẹ nguy cơ nhiễm bẩn, cạn kiệt nước và phòng tránh những tác động tiêu cực của nước đến môi trường sinh thái.
Công tác quan trắc tài nguyên nước ở nước ta được bắt đầu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB), Đồng bằng Nam Bộ (ĐBNB) và Tây Nguyên (TN). Báo cáo trình bày tóm tắt về quá trình hình thành, phát triển công tác quan trắc tài nguyên nước.
1. Quá trình phát triển của mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất a. Công tác quan trắc Mùa xuân năm 1989, Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất đã phê duyệt phương án thiết kế và thi công xây dựng mạng lưới quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, những năm tiếp theo, hai mạng tương tự cũng được phê duyệt ở Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Quá trình phát triển mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất đến nay, trải qua 3 giai đoạn chính: Giai đoạn đầu (1989-1995) xây dựng mạng lưới, Giai đoạn 1996-2007, vận hành mạng lưới trên cả ba vùng theo một đề án chung, thống nhất về phương pháp, chế độ, tần suất, phần mềm cơ sở dữ liệu. Giai đoạn từ 2007, vừa vận hành mạng lưới trên cả ba vùng theo một đề án chung, thống nhất về phương pháp, chế độ, tần suất, phần mềm cơ sở dữ liệu, vừa mở rộng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc ở Việt Nam.
Giai đoạn 1989-1995: xây dựng mạng lưới
Công tác quan trắc được khởi công xây dựng ở Đồng bằng Bắc bộ theo Quyết định mở nhiệm vụ số 69/ĐC-TV2 ngày 14/5/1987 và quyết định phê duyệt số 83-MĐC-QĐ ngày 5/4/1989 của Tổng Cục Mỏ và Địa chất. Công tác thiết kế, thi công xây dựng mạng lưới quan trắc do Liên đoàn 2 địa chất thủy văn (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc) thực hiện.
Ngày 12 tháng 12 năm 1988, Tổng cục Mỏ và Địa chất đã có công văn số 1113/ĐC-KHKT giao nhiệm vụ quan trắc động thái NDĐ cho Liên đoàn 8 Địa chất Thủy văn (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam).
Năm 1990 công tác thiết kế và xây dựng mạng lưới được tiến hành ở Tây Nguyên do Liên đoàn 7 địa chất thủy văn (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung ) thực hiện.
Ba mạng lưới quan trắc ba vùng được hoàn thành xây dựng năm 1995. Công tác quan trắc được tiến hành liên tục và cố định trên 3 mạng lưới này.
Giai đoạn 1996-2007: Vận hành mạng lưới thống nhất trên ba vùng
Năm 1996, đề án tổng thể quan trắc quốc gia được thành lập và công tác quan trắc được tiến hành thống nhất trên cả ba vùng mạng lưới. Các đề án được thiết kế thi công trong giai đoạn 5 năm, kết thúc giai đoạn lập báo cáo tổng kết và thiết kế đề án cho 5 năm tiếp theo.
Giai đoạn từ 2007: Vận hành, mở rộng và hoàn thiện mạng lưới
Ngày 29/1/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch quan trắc quốc gia tài nguyên môi trường đến năm 2020 tại quyết định số 16/2007-QĐ-TTg.
Theo lộ trình của Quy hoạch Tổng thể quan trắc quốc gia tài nguyên môi trường đến 2020, đối với nước dưới đất sẽ duy trì, nâng cấp 39 trạm, 286 điểm và 661 công trình quan trắc hiện có và bổ sung các trạm, điểm còn thiếu đưa tổng số trạm, điểm quan trắc đến năm 2020 là 70 trạm, 692 điểm và 1331 công trình quan trắc, đối với nước mặt, đến năm 2020 sẽ có 78 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt được xây dựng trên trên lưu vực các sông chính như Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Mã, Gianh, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Côn, Cái Nha Trang, Cái Ninh Thuận, Đồng Nai và Mê Công.
Hiện nay cả nước có 612 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc quốc gia.
Bên cạnh mạng quan trắc quốc gia, các mạng lưới quan trắc địa phương cũng đã, đang và sẽ được xây dựng. Điển hình ở các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh (28 công trình), Bình Dương (10 công trình), Bình Phước (21 công trình), Cần Thơ (30 công trình), Hậu Giang (24 công trình), Đồng Tháp (14 công trình), Sóc Trăng (119 công trình), Bà Rịa-Vũng Tàu (20 công trình), Đồng Nai (13 công trình), thành phố Hà Nội (143 công trình).
Để thực hiện từng bước quy hoạch, dự án sau đây đã được phê duyệt:
-Dự án Đầu tư nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ”. Thực hiện từ 2008 đến 2010, dự án xây dựng 15 điểm quan trắc mới, nâng cấp các công trình đã có. Xây dựng mới 1 nhà trạm, nâng cấp 4 nhà trạm. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước – nhiệt độ, các bộ đo hiện trường các yếu tố Eh, pH, Ec, nitơ, asen…các thiết bị phục vụ quan trắc như ô tô bán tải, máy nén khí, máy bơm chìm, các thiết bị văn phòng, máy tính xách tay đi lấy dữ liệu.
-Dự án Đầu tư nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại vùng Đồng bằng Nam Bộ. Thực hiện từ 2008 đến 2010, dự án xây dựng 7 điểm quan trắc mới, nâng cấp các công trình đã có. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước – nhiệt độ, các bộ đo hiện trường các yếu tố Eh, pH, EC, nitơ, asen…các thiết bị phục vụ quan trắc như ô tô bán tải, máy nén khí, máy bơm chìm, các thiết bị văn phòng, máy tính xách tay đi lấy dữ liệu).
-Dự án Đầu tư nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại vùng Tây Nguyên. Thực hiện từ 2008 đến 2010, dự án xây dựng 17 điểm quan trắc mới, nâng cấp các công trình đã có. Xây dựng mới 2 nhà trạm, nâng cấp 2 nhà trạm. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước-nhiệt độ, các bộ đo hiện trường các yếu tố Eh, pH, Ec, nitơ, asen…các thiết bị phục vụ quan trắc như ô tô bán tải, máy nén khí, máy bơm chìm, các thiết bị văn phòng, máy tính xách tay lấy dữ liệu).
-Dự án “Xây dựng mới 4 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt vùng duyên hải Nam Trung Bộ, giai đoạn 2007-2010”. Hiện đại hóa công tác quan trắc ( trang bị đầu ghi tự động mực nước, chất lượng nước, thiết bị chuyên dụng phục vụ quan trắc tài nguyên nước mặt.
-Dự án “Xây dựng mới 6 trạm quan trắc tài nguyên nước măt vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2007-2010”. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước – Hiện đại hóa công tác quan trắc ( trang bị đầu ghi tự động mực nước, chất lượng nước, thiết bị chuyên dụng phục vụ quan trắc tài nguyên nước mặt.
-Dự án “Xây mới 26 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2007-2010”. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước – nhiệt độ, độ mặn, các bộ đo hiện trường các yếu tố Eh, pH, Ec, nitơ, asen…các thiết bị phục vụ quan trắc như ô tô bán tải, máy nén khí, máy bơm chìm, máy khoan, các thiết bị văn phòng, máy tính xách tay đi lấy dữ liệu).
-Dự án “Xây mới 26 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, giai đoạn 2007-2010”. Hiện đại hóa công tác quan trắc (trang bị đầu ghi tự động mực nước – nhiệt độ, độ mặn, các bộ đo hiện trường các yếu tố Eh, pH, EC, nitơ, asen…các thiết bị phục vụ quan trắc như ô tô bán tải, máy nén khí, máy bơm chìm, máy khoan, các thiết bị văn phòng, máy tính xách tay đi lấy dữ liệu).
b. Tổ chức quản lý, vận hành Năm 1988, tổ Văn phòng đề án quan trắc quốc gia vùng đồng bằng Bắc Bộ được thành lập ở Liên đoàn 2 Địa chất thủy văn;
Năm 1989 thi công tương tự ở Liên đoàn 7 và Liên đoàn 8 Địa chất thủy văn tại vùng đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên;
Năm 1995, hoàn thành xây dựng mạng lưới ở ba vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
Năm 1996, Đề án tổng thể Quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất được thành lập. Ba liên đoàn có 3 văn phòng đề án vùng Văn phòng đề án tổng thể được thành lập ở Liên đoàn 2. Mỗi Liên đoàn có 1 đoàn quan trắc chuyên đề (đoàn 64, đoàn 701 và đoàn 806).
Tháng 5 năm 2008 Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước ra đời theo Quyết định số 1027/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TNMT, ngày 1 tháng 9 năm 2008 Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước ban hành Quyết định số 46/QĐ-QHĐTTNN quy định chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước
Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước được thành lập là một sự khởi sắc mới cho công tác quan trắc và dự báo tài nguyên nước phục vụ quản lý tài nguyên nước nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung
Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước có các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau: -Chủ trì xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm nhiệm vụ quan trắc và dự báo tài nguyên nước; tham gia thực hiện và quản lý việc thực hiện nhiệm vụ sau khi được phê duyệt;
-Quản lý kỹ thuật mạng lưới quan trắc tài nguyên nước, xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước; phối hợp với các đơn vị có liên quan để thu thập, trao đổi dữ liệu, thông tin quan trắc tài nguyên nước phục vụ công tác đánh giá và dự báo tài nguyên nước;
-Biên tập nội dung niên giám tài nguyên nước để xuất bản, lập đề án tổng thể và báo cáo tổng thể kết quả quan trắc tài nguyên nước theo các giai đoạn;
-Thực hiện hoặc tham gia đánh giá mức độ và nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; báo cáo, thông báo định kỳ và đột xuất, cung cấp và trao đổi thông tin kết quả quan trắc và dự báo tài nguyên nước;
-Nghiên cứu đề xuất các chương trình, đề tài nghiên cứu, dự án, giải pháp khoa học công nghệ; ứng dụng tiến bộ khoa học trong quan trắc, dự báo tài nguyên nước và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
-Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế -kỹ thuật, quy trình, quy phạm quan trắc và dự báo tài nguyên;
-Tham gia xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quan trắc và dự báo tài nguyên nước;
-Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc và dự báo tài nguyên nước;
-Tham gia xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, danh mục điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, và cạn kiệt;
-Thực hiện các dịch vụ về tài nguyên nước và các dịch vụ khác có liên quan đến tài nguyên nước theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
-Tư vấn, thẩm định, quản lý các dự án liên quan đến tài nguyên nước, các dự án đầu tư có liên quan đến việc quan trắc và dự báo tài nguyên nước.